CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ
VÀ THẨM ĐỊNH GIÁ S&P
EnglishVietnamese

Cần xây dựng thêm nhiều chế định xác định tài sản trí tuệ.

Tài sản trí tuệ là cái khó mà đong, đo, đếm nhất. Và đây cũng là bài toán nang giải cho các doanh nghiệp trong định giá giá trị doanh nghiệp. Nhà nước và các điều luật trong luật thẩm định vẫn còn thiếu nhiều chế định về xác định giá trị tài sản trí tuệ. Cần thời gian, nguồn lực và can thiệp của nhà nước để xây dựng và sớm đưa vào áp dụng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có vị trí không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu được chú trọng và khai thác tốt, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, uy tín và tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường.

Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp khi cổ phần hoá, doanh nghiệp Nhà nước lúng túng khi xác định giá trị tài sản trí tuệ của mình (một hệ thống quản lý hành chính do doanh nghiệp tự nghiên cứu làm ra, thương hiệu, bí quyết thương mại, bản quyền, bằng sáng chế…). Hệ quả tất yếu là nhiều tài sản trí tuệ đã không được định giá một cách chính xác giá trị thực của nó. Do vậy, nhiều tiền của, tài sản của Nhà nước đã “không cánh mà bay”. Như chúng ta đã biết, ở một chừng mực nhất định, các tài sản trí tuệ (thương hiệu của doanh nghiệp, tên thương mại, bằng sáng chế…) đôi khi có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần những tài sản vật chất đo đếm được trong doanh nghiệp. Ngoài ra, chưa kể đến trường hợp khi thành lập công ty cổ phần, có doanh nghiệp không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng thương hiệu. Đây là một thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Sở dĩ để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật đầy đủ về định giá tài sản trí tuệ. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng các chế định về xác định giá trị tài sản trí tuệ. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ quy định chung chung về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ (nguyên tắc coi giá trị một số tài sản trí tuệ là căn cứ để xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp trong hoạt động cổ phần hoá, nguyên tắc theo dõi ghi sổ và hạch toán giá trị tài sản trí tuệ…). Đây chính là “lỗ hổng” pháp lý lớn, khi mà quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra với tốc độ “phi mã”.

Trao đổi với phóng viên ĐS&PL về vấn đề pháp lý liên quan đến định giá tài sản trí tuệ, luật sư Xuân Bình cho biết: cần chỉnh sửa, bổ sung chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định, hướng dẫn về các tài sản cố định vô hình theo hướng thương hiệu cũng phải được xem là tài sản cố định vô hình. Ngoài ra, chúng ta cũng cần sửa đổi quy định hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao đối với loại tài sản vô hình để doanh nghiệp có cơ sở hạch toán chi phí.

Việc định giá tài sản trí tuệ có liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế như: mua bán, góp vốn liên danh, liên kết, chuyển giao tài sản trí tuệ, cổ phần hoá… Qua đó, doanh nghiệp chủ động hoạch định chiến lược phát triển, đầu tư, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng kiểm soát các hoạt động tài chính trong doanh nghiệp. Nói như ngài Daniel keller – điều phối viên Dự án Việt Nam – Thuỵ Sỹ về sở hữu trí tuệ: việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất cần thiết, để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời nó khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, đảm bảo khả năng tiếp thu công nghệ mới trong doanh nghiệp.

Với những ý nghĩa quan trọng nêu trên, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về định giá tài sản trí tuệ đang đặt ra cấp thiết cho các nhà làm luật trong nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN