Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Việc ban hành Nghị định được đánh giá là cần thiết, cấp bách nhằm quy định chi tiết các nội dung của Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 90/2025/QH15; đồng thời sửa đổi nhiều nội dung để đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu; bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thực thi pháp luật về đấu thầu.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, gỡ vướng mắc
Dự thảo Nghị định có 14 chương, 146 điều với phạm vi điều chỉnh khá rộng, cụ thể hóa quy định của Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi Luật Đấu thầu với 12 nội dung. Đó là, tư cách hợp lệ của nhà thầu nước ngoài đối với đấu thầu quốc tế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; đặt hàng; nguyên tắc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời thầu; thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu áp dụng mua sắm tập trung, việc tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân và cơ sở y tế là đơn vị sự nghiệp công lập; thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, cơ sở y tế là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên không chọn áp dụng quy định của Luật; xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu xây lắp; điều kiện xem xét giải quyết kiến nghị, quy trình giải quyết kiến nghị, thành phần, trách nhiệm và hoạt động của Hội đồng giải quyết kiến nghị.
Nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu theo hướng lược bỏ thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Dự thảo Nghị định đã bãi bỏ trách nhiệm thẩm định, hồ sơ trình thẩm định, nội dung thẩm định, báo cáo thẩm định của kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chủ đầu tư được chọn áp dụng thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu…
Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi các Điều 78, 79 và 80 Luật Đấu thầu theo hướng bãi bỏ vai trò bên mời thầu trong lựa chọn nhà thầu, chuyển một số trách nhiệm trước đây thuộc bên mời thầu sang chủ đầu tư (như làm rõ hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng, thành lập tổ chuyên gia), tổ chuyên gia (như trình phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu). Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi toàn diện các nội dung liên quan đến bên mời thầu để bảo đảm phù hợp, đồng bộ, đơn giản hơn nữa quy trình, thủ tục trong tổ chức lựa chọn nhà thầu, không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đến 2 tỷ đồng
Về chỉ định thầu, Dự thảo Nghị định (các Điều 78, 79 và 80) quy định tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu đã được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023; đồng thời rà soát, điều chuyển các gói thầu đang áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP sang hình thức chỉ định thầu.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định nâng hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu theo hướng: gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án có giá gói thầu không quá 800 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, không quá 2 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được chỉ định thầu.
Để đơn giản hóa quy trình chỉ định thầu, Dự thảo Nghị định quy định quy trình chỉ định thầu thông thường không bắt buộc phải thẩm định hồ sơ yêu cầu, kết quả chỉ định thầu, trao quyền quyết định thẩm định các nội dung này cho chủ đầu tư. Đồng thời, căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể của gói thầu, chủ đầu tư quy định trong hồ sơ yêu cầu mức tỷ lệ tiết kiệm của giá đề nghị trúng thầu để làm cơ sở cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất, thương thảo hợp đồng. Đối với một số trường hợp chỉ định thầu đặc thù, chủ đầu tư thương thảo hợp đồng với nhà thầu, sau đó hoàn thiện, ký kết hợp đồng mà không cần yêu cầu phải lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất.
Nguồn: Báo Tài chính – Đầu tư